Chính lý tài liệu, lập hồ sơ công việc giai đoạn lưu trữ
> Dịch vụ > Chỉnh lý tài liệu

Mở hồ sơ

  • Đối với UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn đã xây dựng danh mục hồ sơ cần dựa vào danh mục hồ sơ để hình thành hồ sơ và đưa văn bản, tài liệu vào hồ sơ (xem phần sử dụng danh mục hồ sơ).
  • Đối với UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn chưa xây dựng danh mục hồ sơ, từng cán bộ, chuyên viên căn cứ vào các đặc trưng sau để lập hồ sơ:
  • Đặc trưng tên loại văn bản: Là tên của thể loại văn bản như nghị quyết, chỉ thị, thông tư,… Những văn bản có cùng tên loại, của cùng một tác giả, trong một khoảng thời gian (một năm hoặc một nhiệm kỳ) lập một hồ sơ.
  • Đặc trưng này thường được vận dụng để lập hồ sơ các tập lưu văn bản đi ở văn thư.
  • Đặc trưng vấn đề: Những văn bản, tài liệu có tên loại khác nhau, tác giả khác nhau nhưng nội dung nói về một vấn đề, một sự việc trong một thời gian nhất định lập một hồ sơ.
  • Đặc trưng này thường được vận dụng để lập hồ sơ Đại hội, hội nghị, vấn đề, vụ việc.
  • Đặc trưng tác giả: Tác giả là cơ quan ban hành văn bản. Văn bản có tên loại khác nhau, nội dung khác nhau nhưng của một tác giả sản sinh ra trong một thời gian nhất định lập một hồ sơ.
  • Đặc trưng này thường được vận dụng để lập hồ sơ đối với tài liệu của các cơ quan gửi đến.
  • Đặc trưng cơ quan giao dịch: Tài liệu trao đổi giữa cơ quan này với một cơ quan khác trong một khoảng thời gian nhất định lập một hồ sơ.
  • Đặc trưng địa dư: Địa dư là các đơn vị hành chính như thành phố, huyện, quận, thị xã,… Những tài liệu có tên loại giống nhau, được sản sinh ra trong một thời gian nhất định ở những khu vực hành chính có đặc điểm đặc biệt giống nhau lập một hồ sơ.
  • Đặc trưng thời gian: Thời gian là năm, tháng mà nội dung tài liệu nói đến, đặc trưng này thường được kết hợp với các đặc trưng khác để lập hồ sơ.

Một số điểm cần chú ý khi vận dụng các đặc trưng để lập hồ sơ:

  • Khi lập hồ sơ cần vận dụng linh hoạt các đặc trưng lập hồ sơ, biết kết hợp giữa đặc trưng chính với các đặc trưng khác để lập hồ sơ.
  • Trong thực tế thường vận dụng phổ biến 4 đặc trưng: tên loại văn bản, tác giả ban hành văn bản, vấn đề, thời gian để lập hồ sơ.

Thu thập văn bản, tài liệu đưa vào hồ sơ

  • Thu thập văn bản, tài liệu đưa vào hồ sơ là nội dung quan trọng trong công tác lập hồ sơ. Có thu thập được đầy đủ văn bản, tài liệu về một vấn đề, một sự việc hay một người đưa vào hồ sơ thì hồ sơ đó mới hoàn chỉnh, đảm bảo chất lượng và có giá trị phục vụ khai thác, sử dụng.
  • Mỗi cán bộ, chuyên viên cần coi việc thu thập văn bản, tài liệu đưa vào hồ sơ là một phần trong quá trình giải quyết công việc và phải thu thập kịp thời. Cần chú ý những loại văn bản, tài liệu hay để lẫn sang cơ quan khác như bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo, tham luận của đại biểu dự Đại hội, hội nghị, ảnh, băng ghi âm, ghi hình trong các lễ kỷ niệm hay trong các đợt đi công tác

 Phân chia đơn vị bảo quản

  • Đơn vị bảo quản là đơn vị thống kê và tra tìm tài liệu trong các lưu trữ. Một hồ sơ có thể là một đơn vị bảo quản, nếu hồ sơ có nhiều tập thì mỗi tập là một đơn vị bảo quản.

Cách phân chia đơn vị bảo quản

  • Để thuận tiện cho việc bảo quản và phục vụ khai thác, mỗi hồ sơ không nên dày quá 200 trang. Nếu khối lượng văn bản, tài liệu trong hồ sơ vượt quá 200 trang nên chia thành nhiều tập, mỗi tập là một đơn vị bảo quản.
  • Khi phân chia đơn vị bảo quản cần dựa vào mối liên hệ về nội dung tài liệu, thời gian của tài liệu hoặc giá trị của tài liệu trong hồ sơ mà phân chia cho hợp lý. Ví dụ:
  • Đối với thể loại văn bản quyết định trong một năm hoặc một nhiệm kỳ (nếu nhiều) nên dựa vào nội dung văn bản để phân chia ra các đơn vị bảo quản sau:
  • – Quyết định về chủ trương công tác;
  • – Quyết định về tổ chức bộ máy;
  • – Quyết định về nhân sự.
  • + Quyết định về tiếp nhận, điều động cán bộ;
  • + Quyết định về kỷ luật cán bộ;
  • + Quyết định về xếp và nâng lương cán bộ;
  • + Quyết định về khen thưởng cán bộ;

 Sắp xếp văn bản, tài liệu trong hồ sơ (đơn vị bảo quản)

  • Khi sắp xếp văn bản, tài liệu trong hồ sơ (ĐVBQ) cần căn cứ vào đặc điểm của hồ sơ (ĐVBQ) mà sử dụng các cách sắp xếp văn bản, tài liệu trong hồ sơ (ĐVBQ) cho hợp lý. Có các cách sắp xếp sau:
  • Sắp xếp theo số thứ tự văn bản: nếu trong hồ sơ chỉ có một loại văn bản (nghị quyết hoặc chỉ thị…) thì tài liệu trong hồ sơ được sắp xếp theo thứ tự số nhỏ xếp trên, số lớn xếp dưới. Cách sắp xếp này thường được vận dụng để sắp xếp các tập lưu văn bản đi.
  • Sắp xếp theo ngày, tháng, năm của văn bản: Nếu trong hồ sơ có một loại văn bản (nghị quyết, chỉ thị…) của một cơ quan gửi đến thì văn bản nào có ngày tháng năm sớm xếp trước, ngày tháng năm muộn xếp sau. Cách sắp xếp này thường được vận dụng để sắp xếp các hồ sơ lập theo đặc trưng tác giả.
  • Sắp xếp theo quá trình giải quyết công việc: Tài liệu nào giải quyết trước xếp trên, tài liệu nào giải quyết sau xếp dưới. Cách sắp xếp này thường được vận dụng để sắp xếp các hồ sơ lập theo đặc trưng vấn đề.
  • Sắp xếp theo mức độ quan trọng của văn bản: Nếu vì văn bản quá ít nên khi lập hồ sơ phải ghép nhiều thể loại văn bản của một tác giả trong một hồ sơ thì phải sắp xếp thứ tự tầm quan trọng của thể loại văn bản. Trong mỗi loại văn bản, sắp xếp theo ngày, tháng, năm ban hành văn bản.
  • Sắp xếp theo mức độ quan trọng của tác giả: Nếu trong một hồ sơ gồm tài liệu của nhiều tác giả khác nhau thì tài liệu của cơ quan cấp trên xếp trên, tài liệu của cơ quan cấp dưới xếp dưới; trong từng cơ quan sắp xếp theo tầm quan trọng của loại văn bản; trong từng loại văn bản sắp xếp theo ngày, tháng, năm ban hành văn bản.
  • Sắp xếp theo vần chữ cái: Nếu trong hồ sơ có nhiều tên cơ quan (cùng cấp), tên địa phương, tên người thì sắp xếp thứ tự tên cơ quan, địa phương, tên người theo vần chữ cái a, b, c,…

Một số điểm cần chú ý khi sắp xếp văn bản, tài liệu trong hồ sơ:

  • – Nếu trong hồ sơ có phim, ảnh đi kèm thì cho phim, ảnh vào phong bì để bảo quản riêng (cần ghi rõ vào chứng từ kết thúc địa chỉ bảo quản phim, ảnh và ký hiệu tra tìm).
  • – Trong hồ sơ, mỗi tài liệu chỉ cần giữ một bản; chọn bản chính, nếu không có bản chính thì giữ bản sao để thay thế.
  • – Các loại văn bản như kế hoạch, chương trình công tác và báo cáo định kỳ sắp xếp theo thời gian mà nội dung tài liệu nói đến. Kế hoạch, chương trình công tác nhiều năm xếp vào năm đầu mà nội dung tài liệu đề cập đến; báo cáo tổng kết nhiều năm xếp vào năm cuối mà nội dung tài liệu đề cập đến.

Dự kiến tiêu đề hồ sơ: Tiêu đề hồ sơ là câu tóm tắt về thành phần, nội dung tài liệu có trong hồ sơ. Tiêu đề hồ sơ cần phản ánh đầy đủ các yếu tố: tên loại, tác giả, nội dung, thời gian của tài liệu trong hồ sơ.

Biên mục hồ sơ: Đánh số trang: Đánh số trang là đánh số thứ tự cho mỗi trang tài liệu có trong hồ sơ (ĐVBQ).

  • – Mục đích: Đánh số trang là để cố định thứ tự tài liệu có trong hồ sơ (ĐVBQ), bảo đảm tài liệu không bị thất lạc, mất mát, thuận tiện cho việc quản lý và tra tìm.
  • – Yêu cầu: Số trang phải đánh rõ ràng, chính xác bằng bút chì đen mềm.
  • – Cách đánh số trang: Mỗi trang tài liệu có chữ được đánh một số, cách mép tài liệu ở phía trên, bên phải 1cm. Trường hợp một tờ tài liệu có 2 trang thì trang sau được đánh 1 số cách mép tài liệu ở phía trên, bên trái 1cm hoặc có thể để cách không đánh số nhưng được tính số trang liên tục, ví dụ trang 5, để cách trang 6 không đánh số mà đánh tiếp số cho trang sau là trang 7,…

– Chú ý khi đánh số trang:

  • + Nếu một trang khổ to gấp đôi đóng ở giữa thì coi như 2 trang và đánh 2 số, một trang to thì gập bằng khổ giấy và đánh l số.
  • + Nếu có ảnh thì đánh số ở mặt sau ảnh và cho ảnh vào phong bì và đánh số ở ngoài bì.
  • + Nếu một trang giấy có dán nhiều ảnh hay bài báo thì coi như một trang và đánh một số.
  • + Trường hợp đánh số sót thì được đánh số trùng và thêm chữ a,b,c (ví dụ: 5, 5a, 5b, 5c…) và ghi rõ vào tờ chứng từ kết thúc. Trường hợp đánh số sai, nhảy số đều phải đánh lại.
  • + Nếu trong hồ sơ (ĐVBQ) có các quyển sách in chỉ cần đánh một số chung cho cả quyển (không đánh số trang trong sách) và ghi vào chứng từ kết thúc (kèm một quyển sách có… trang).

 Viết mục lục tài liệu:

  • – Mục lục tài liệu là bản kê có hệ thống các tài liệu có trong đơn vị bảo quản và vị trí sắp xếp của chúng. Mục lục tài liệu được đặt ở đầu hồ sơ (ĐVBQ), ngay sau tờ bìa và đánh số trang riêng.
  • – Mục đích: Viết mục lục tài liệu là nhằm thống kê và cố định thứ tự sắp xếp tài liệu trong hồ sơ (ĐVBQ) để thuận tiện cho việc quản lý và tra tìm.
  • – Yêu cầu: cần viết đầy đủ, chính xác các thành phần cần thiết của tài liệu vào mục lục, không được viết tắt những từ ngữ không thông dụng.

 Mục tài liệu:

STT Số, ký hiệu Ngày tháng Tên gọi và trích yếu Tác giả Bản chính Bản sao Trang số Ghi chú
1 2 3 4 5 6 7 8 9
                 

                                                             (Khổ giấy: 210 mm x 297 mm)

Hướng dẫn cách ghi:

  • Cột 1 – Ghi số thứ tự tài liệu trong đơn vị bảo quản.
  • Cột 2 – Ghi số và ký hiệu của tài liệu.
  • Cột 3 – Ghi ngày, tháng, năm của tài liệu. Nếu tài liệu không có ngày, tháng phải xác minh thì cho vào dấu [ ].
  • Cột 4 – Ghi tên gọi và trích yếu của tài liệu.
  • Cột 5 – Ghi tác giả của tài liệu. Nếu tài liệu không có tác giả phải xác minh thì cho vào dấu [ ].
  • Cột 6 – Nếu bản chính đánh dấu vào cột 6.
  • Cột 7 – Nếu bản sao đánh dấu vào cột 7.
  • Cột 8 – Ghi tài liệu đó bắt đầu từ trang số mấy trong ĐVBQ.
  • Cột 9 – Ghi những điểm cần thiết: độ mật, không dấu, không có chữ ký,
  • bút tích, dự thảo, quyển sách…

* Viết tờ chứng từ kết thúc:

  • – Chứng từ kết thúc là tờ để ghi số lượng trang, chất lượng và tình trạng vật lý của tài liệu trong hồ sơ (ĐVBQ). Tờ chứng từ kết thúc đặt ở cuối hồ sơ (ĐVBQ).
  • – Mục đích: tờ chứng từ kết thúc dùng để kiểm tra, bảo quản, tránh việc bị đánh tráo, đánh cắp, giả mạo tài liệu trong hồ sơ (ĐVBQ), đồng thời theo dõi được tình trạng vật lý của tài liệu để có biện pháp bảo quản, phục chế kịp thời.
  • – Yêu cầu: phải ghi rõ số trang của tài liệu có trong hồ sơ (ĐVBQ); khi ghi số trang phải chú ý cộng thêm trang trùng số và trừ đi trang khuyết số; ghi rõ tình trạng vật lý của tài liệu trong hồ sơ (rách, ố, nhàu nát,…) và ngày, tháng, năm lập hồ sơ, người lập hồ sơ, người biên mục ký, họ và tên.

CHỨNG TỪ KẾT THÚC

  • Trong hồ sơ có……… (bằng chữ…………………………………..) trang tài liệu, được đánh số từ…….. đến…………
  • Có các trang trùng số………………………………………..……..
  • Có các trang khuyết số……………………………………………
  • Tình trạng vật lý của tài liệu ………………………………….………
  • …………………………………………………………………………
  • …………………………………………………………………………

 

Hải Dương, ngày…… tháng……năm 20…

Người lập hồ sơ                                                            Người biên mục

 

Viết bìa hồ sơ:

  • Bìa hồ sơ cần viết đầy đủ, chính xác tiêu đề hồ sơ (ĐVBQ) và những thông tin cần thiết khác để thuận tiện cho quản lý và tra tìm. Chữ viết phải rõ ràng, đẹp, không viết tắt và dùng loại mực tốt (thường dùng mực màu đen).

Công ty  CP Đầu tư Đức Nghiệp  hoạt động liên quan tới các lĩnh vực:

  • Chỉnh lý các tài liệu lưu trữ, sắp xếp phân loại các tài liệu thuận tiện cho việc tra cứu cũng như bảo quản quản tài liệu cho các đơn vị: UBND, HĐND, BHXH, công ty, các phòng, chi cục, cơ quan sự nghiệp khác.
  • Cung cấp các vật tư văn phòng phẩm lưu trữ như: giá sắt, tủ đựng tài liệu, cặp hộp, bìa hồ sơ, hộp lưu trữ, hộp mộc, hộp sơn lưu trữ văn phòng phẩm phục vụ văn thư lưu trữ.
  • Tư vấn các cơ quan xây dựng kết hoạch, lập dự toán, phương án và chuẩn bị các thủ tục cần thiết để giải ngân nguồn kinh phí được cấp, hướng dẫn cán bộ chuyên môn lập hồ sơ hiện hành và nộp hồ sơ vào lưu trữ hàng năm theo quy định.
  • Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, tư vấn chính sách pháp luật ngành văn thư lưu trữ.
  • Dịch vụ nhập dữ liệu, viên chức vào phần mềm máy tính, tra cứu văn bản và cung cấp thông tin, bán phần mềm và các thiết bị ngoại vi phục vụ công tác quản trị hành chính văn phòng.



Chúng tôi trên facebook