Tài liệu lưu trữ về tỉnh Lạng Sơn tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (3 năm trước)
> Tin tức > Ngành văn thư lưu trữ

Nhân kỷ niệm 190 năm hình thành và phát triển tỉnh Lạng Sơn, xin giới thiệu nguồn tài liệu về lịch sử Lạng Sơn qua tài liệu lưu trữ quốc gia hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

 

     Lạng Sơn là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc nước ta, với nhiều địa danh nổi tiếng như Đồng Đăng, Ải Chi Lăng, Tam Thanh, Tô Thị… đã đi vào sử sách, thơ ca về văn hóa, lịch sử vùng đất và người Lạng Sơn. Nơi đây còn là vùng đất biên thùy, cửa ngõ địa đầu của Tổ quốc, luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.

     Với bề dày lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển, việc nghiên cứu về vùng đất, con người và những chặng đường phát triển của Lạng Sơn là rất cần thiết, trong đó, nguồn tài liệu lưu trữ chân thực, sinh động là một nguồn tư liệu hết sức quý giá.

      Tài liệu lưu trữ về Lạng Sơn được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III thuộc các phông khác nhau: Phủ Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ, Quốc hội, Bộ Lao động, Bộ Thương nghiệp, Bộ Nông Lâm, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Việt Bắc… khối tài liệu nảy gần 5.000 hồ sơ đã được chỉnh lý, sắp xếp hoàn chỉnh và được cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin cấp 2 phục vụ công tác khai thác, tra cứu của độc giả, đó là những văn bản thể hiện mối quan hệ, sự phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể nhân dân thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tỉnh Lạng Sơn trong sự hoạt động, phát triển của tỉnh nói riêng và của cả nước trong hệ thống bộ máy hành chính nhà nước nói chung từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay.

     Nhóm tài liệu thể hiện tổng quát về tình hình của tỉnh Lạng Sơn do chính quyền tỉnh gửi báo cáo Chính phủ, đặc biệt những thành tựu về hoạt động của tỉnh được thể hiện qua các bản báo cáo về tình hình chung của tỉnh qua các năm… hoặc qua các giai đoạn, thời kỳ lịch sử, như: báo cáo tình hình chung trong năm 1948 của Ủy ban Kháng chiến Hành chính (UBKCHC) tỉnh Lạng Sơn; báo cáo tình hình chung trong năm 1949 của UBKCHC tỉnh Lạng Sơn; Báo cáo tình hình chung trong 3 năm kháng chiến từ 1946 - 1949 của UBKCHC tỉnh Lạng Sơn; tập báo cáo thành tích 8 năm kháng chiến (1946 - 1954) của các tỉnh thuộc Liên khu Việt Bắc, trong đó có tỉnh Lạng Sơn; Báo cáo công tác tác thống kê 3 năm (1958 - 1960) và chương trình công tác năm 1961 của Chi cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn…

     Nhóm tài liệu về công tác nội chínhgồm những tài liệu lưu trữ phản ánh về tình hình chính trị - xã hội, về công cuộc xây dựng, củng cố chính quyền, tổ chức bộ máy hành chính của tỉnh qua các thời kỳ, như về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh các nhiệm kỳ; các cuộc Hội nghị Hội đồng nhân dân tỉnh; về công tác tổ chức, cán bộ; về quốc phòng, an ninh, về trật tự, an toàn xã hội,…có thể kể đến như: Báo cáo của Đoàn cán bộ đi củng cố đường số 4 năm 1951 về tình hình ở các vùng trọng yếu của đường số 4 sau ngày giải phóng (thị xã Lạng Sơn và các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Ôn Châu); tài liệu về tình hình biên giới Việt - Trung năm 1948 – 1953; Chỉ thị, báo cáo của Bộ Nội vụ, Vụ Công an, UBKCHC Liên khu III, UBKCHC TP Hải Phòng, Lạng Sơn về tình hình hoạt động quân sự của địch trong năm 1950; Công văn, báo cáo của Thủ tướng, Nha Công an TƯ, Ty Công an Hà Nội, Hải Phòng, UBKCHC Liên khu IV, Việt Bắc, UBKCHC Lạng Sơn về tình hình viện trợ và hoạt động của các phái đoàn Mỹ ở Đông Dương, Việt Nam năm 1950…



ảng số đại biểu được phân bổ theo tỉnh và thành phố trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên năm 1946 kèm theo Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 ấn định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử. Theo bảng đính kèm, tỉnh Lạng Sơn gồm 3 đại biểu, trong đó 01 đại biểu chung cho Việt Nam và các dân tộc thiểu số, 02 đại biểu đại diện dân tộc Thổ và Nùng.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 01
 

Nhóm tài liệu về tình hình kinh tế - tài chính của tỉnh Lạng Sơn, gồm những hồ sơ, tài liệu về sự chỉ đạo, lãnh đạo và quản lý hoạt động phát triển kinh tế tài chính, sự phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế phù hợp với vị trí, điều kiện của tỉnh: như về sự phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, việc xây dựng Khu Công nghiệp, các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế qua các giai đoạn…

     Nhóm tài liệu về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, y tế, thi đua, khen thưởng thành tích các tập thể, cá nhân trong xây dựng, sản xuất và chiến đấu của tỉnh qua các thời kỳ: Báo cáo tổng kết phong trào thi đua thực hiện kế hoạch năm 1959 của Ty Văn hóa tỉnh Lạng Sơn; Nghị quyết về việc khen thưởng thành tích 3 năm (1958, 1959, 1960) của Hội nghị tổng kết công tác văn hóa Khu tự trị Việt Bắc họp tại Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) (từ ngày 04/4 đến ngày 09/4/1961); Số liệu thống kê tình hình phát triển kinh tế văn hóa trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) của Chi Cục thống kê tỉnh Lạng Sơn; Công văn và kế hoạch của Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội về việc cử đoàn đại biểu đi nghiên cứu tình hình thực tế ở 2 tỉnh Hà Bắc và Lạng Sơn tháng 5/1983;  Báo cáo tổng kết kiểm tra Ty Y tế Lạng Sơn từ ngày 05-15/9/1958; Đề cương nghiên cứu xem xét của Ủy ban Y tế, Xã hội của Quốc hội tại Hà Bắc, Lạng Sơn (tháng 8 năm 1985)…

     Nhóm tài liệu về cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc của quân dân Lạng Sơn qua các thời kỳ lịch sử

     Quân dân Lạng Sơn đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, không chỉ trong công cuộc xây dựng, củng cố chính quyền, quân dân Lạng Sơn đã đóng góp cùng quân dân cả nước đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc. Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Lạng Sơn cũng là nơi có đội du kích đầu tiên - Đội Du kích Bắc Sơn ra đời năm 1940, có vai trò quan trọng, là tiền đề cho việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Lạng Sơn cũng là một trong những tỉnh có vai trò quan trọng xây dựng căn cứ địa trong Cách mạng Tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với vị trí chiến lược ở cửa ngõ phía Bắc, Lạng Sơn còn nhiều lần trực tiếp đương đầu chống giặc ngoại xâm,  như trong Chiến dịch Biên giới 1950, cuộc Chiến tranh biên giới 1979...

Nguồn tài liệu lưu trữ về chiến dịch Việt Bắc, Chiến dịch Biên giới năm 1950, Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954… phản ánh tương đối đầy đủ về những đóng góp và vai trò của quân, dân Lạng Sơn cùng quân dân cả nước kiên cường chiến đấu bảo vệ căn cứ địa cách mạng, bảo vệ vững chắc tuyến biên giới phía Bắc của Tổ quốc… bảo vệ độc lập dân tộc: Biên bản của các UBKCHC tỉnh Lạng Sơn về công tác bao vây kinh tế địch năm 1948; Báo cáo tình hình chiến sự trong năm 1949 của UBKCHC các tỉnh: Bắc Ninh, Hà Giang, Lạng Sơn, Phúc Yên, Yên Bái; Báo cáo tình hình chiến sự "Chiến dịch đường số 4" năm 1949 của UBKCHC tỉnh Lạng Sơn; Báo cáo tình hình chiến sự ở Lạng Sơn của UBKCHC năm 1949; Hồ sơ tài liệu về chiến thắng biên giới (chiến dịch Lê Hồng Phong II ) năm 1950…


 

Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị cho một đơn vị bộ đội trong Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng tại hang Nhị Thanh - tỉnh Lạng Sơn năm 1950.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, tài liệu ảnh thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), SLT 392

Sơ đồ về diễn biến Chiến dịch Biên giới năm 1950.

 

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng
 

Nhóm tài liệu về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên gồm nhóm các văn bản về quá trình điều chỉnh, tách, sáp nhập các khu, liên khu, các huyện, xã trong đó có đơn vị hành chính thuộc tỉnh Lạng Sơn; Sơ đồ, bản đồ địa giới hành chính, về cột mốc biên giới, về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của tỉnh Lạng Sơn: Sắc lệnh về việc tạm thời tách huyện Lộc Bình ra khỏi tỉnh Hải Ninh và sáp nhập vào tỉnh Lạng Sơn; Quyết định điều chỉnh địa giới của một số huyện thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Quyết định số 772 QĐ/P5 của UBKCHC LKVB về sửa đổi địa giới hành chính xã thuộc tỉnh Lạng Sơn năm 1950; Công văn, báo cáo của tỉnh về tình hình biên giới Việt - Trung năm 1948 – 1953.

     Nhóm tài liệu về hợp tác giữa Lạng Sơn và các tỉnh,  giữa Lạng Sơn và các tỉnh bạn nước ngoài trên các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, văn hóa - xã hội, đặc biệt trong giai đoạn đất nước được hòa bình, độc lập, thống nhất, phát triển,  đi lên chủ nghĩa xã hội, quân dân Lạng Sơn tiếp tục đồng hành cùng cả nước, thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện đường lối đổi mới, phát triển.  

     Nhìn chung, nguồn tài liệu lưu trữ về Lạng Sơn bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đa dạng và phong phú. Phản ánh sinh động những thành tựu trong quá trình xây dựng và phát triển của Lạng Sơn, nổi bật là trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển vững vàng trên vùng biên giới, cửa ngõ phía Bắc của Tổ quốc.

 

     Nghiên cứu tài liệu lưu trữ về tỉnh Lạng Sơn có ý nghĩa, giá trị to lớn, chân thực phục vụ nghiên cứu lịch sử hình thành phát triển tổng quan và từng ngành, từng lĩnh vực của địa phương, đồng thời là nguồn tài liệu quan trọng phục vụ nghiên cứu, hoạch định chính sách phát triển phù hợp với địa phương trong những giai đoạn tiếp theo./.

Tác giả: 
Thiên Lý (Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)
Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - https://luutru.gov.vn/




Chúng tôi trên facebook