Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I qua tường thuật của Báo Cứu quốc (3 năm trước)
> Tin tức > Ngành văn thư lưu trữ

Kỳ họp 2, Quốc hội Khóa I đã bầu ra Chính phủ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, bàn bạc, thảo luận và thông qua Hiến pháp đầu tiên, đồng thời giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp thiết khác của đất nước. Toàn bộ diễn biến của kỳ họp này đã được Báo Cứu quốc theo sát tường thuật đầy đủ.

 

     Trước Cách mạng Tháng Tám - 1945, báo Cứu Quốc là tờ báo hằng ngày lớn nhất của Ðảng Cộng sản Ðông Dương và Mặt trận Việt Minh. Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong tình hình mới, báo Cứu Quốc là tờ báo chính thức có nhiệm vụ tuyên truyền, giải thích, phổ biến những chủ trương, chính sách của cách mạng; đồng thời, đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu sai trái của các thế lực phản động, bảo vệ chính quyền cách mạng và cuộc sống của nhân dân. Báo Cứu Quốc có đội ngũ phóng viên đông đảo, giàu kinh nghiệm, thu hút được rất nhiều cộng tác viên là cán bộ quân sự, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ.

     Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra từ ngày 28/10 - 9/11/1946. Dự họp có 290 đại biểu các tỉnh, thành phố, đại diện các lãnh sự quán Anh, Mỹ, Trung Quốc, Thụy Sĩ và một số nhà đương chức Pháp. Công chúng được vào dự thính kỳ họp và chất vấn khen, chê Chính phủ.

     Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ báo cáo những hoạt động của Chính phủ. Chính phủ đã trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề thuộc lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, nội vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải đáp trước Quốc hội các câu hỏi về quốc kỳ, về chính sách ngoại giao của Chính phủ, về tính liêm khiết làm gương của Chính phủ. Quốc hội đã thảo luận và thông qua các nghị quyết về nội trị, ngoại giao, lập chính phủ mới, quyền quan thuế, phát hành giấy bạc Việt Nam. Ngày 8/11/1946, Quốc hội thông qua dự án Luật Lao động. Quốc hội đã nghe trình bày dự án Hiến pháp, sau đó thảo luận sôi nổi. Ngày 9/11/1946, Quốc hội biểu quyết thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với 240/242 đại biểu tán thành. Quốc kỳ nước Việt Nam được Quốc hội công nhận là cờ đỏ sao vàng.

      Toàn bộ bản tường thuật của Báo Cứu quốc về kỳ họp Quốc hội khóa I vô cùng cụ thể, sống động. Hiện được lưu trong Hồ sơ kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I (Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Quốc hội, Hồ Sơ 06).

 Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 Tại thủ đô Hà Nội

Quang cảnh Nhà hát Lớn

       Sáng 28/10/1946, Quốc hội Việt Nam đã họp lần thứ hai sau ngày 02/3/1946 tại Nhà hát Lớn, thủ đô Hà Nội.

       Nhà hát Lớn đã trang hoàng một cách rất mỹ thuật và uy nghiêm. Trên khán đài có kê một cái bục khá cao để 3 chiếc ghế là chỗ ngồi của vị Chủ tịch Quốc hội với các vị phó Chủ tịch, phía dưới có một bục làm diễn đàn có đặt 3 máy truyền thanh; trước diễn đàn là nơi đặt bàn của Ban Thư ký Quốc hội cùng các ghế ngồi của nhân viên Ban Thường trực.

      Các nhân viên Chính phủ ngồi ở hàng ghế đầu trước khán đài. Phía sau ghế các nhân viên Chính phủ là ghế của các vị đại biểu nhân dân.

      Trên tường vải đỏ căng là ghi những nét vàng chói lọi: Đoàn kết, Thống nhất, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.

      Ở trước cửa Nhà hát Lớn thì có một toán Vệ quốc quân đứng dàn để giữ trật tự. Công chúng tụ họp khá đông để nghe những lời nói trong Quốc hội truyền qua máy phát thanh.

Khai mạc

       Đúng 8 giờ sáng, Ban Thường trực Quốc hội tới. Lúc ấy các đại biểu Quốc hội đã đến gần đủ cùng với các quan khách ngoại quốc như lãnh sự Anh, Mỹ, Trung Hoa, Thụy Sĩ, các nhà đương chức Pháp, các phóng viên báo giới Mỹ, Pháp, Hoa, Việt. Một số nhân dân có giấy mời vào dự phiên khai mạc này.

       8 giờ 15, Hồ Chủ tịch cùng nhân viên Chính phủ tới, có ông Chủ tịch Quốc hội đón tiếp và hướng dẫn vào phòng Hội đồng. Phường nhạc cử bài quốc ca. Các đại biểu và toàn thể những người đến đứng dậy nghiêm trang chào cờ.

      Bài “Hồn tử sĩ” tiếp theo, mọi trái tim đều thổn thức và trí mọi người đều hướng về miền Nam nước Việt.

      8 giờ 25 cụ Nguyễn Văn Tố đứng trước máy truyền thanh và bằng một giọng rõ ràng, thong thả tuyên bố khai mạc cuộc hội nghị. Trước khi báo có công việc của Quốc hội, cụ Tố báo cáo để các vị đại biểu biết mấy tin buồn về ba ông:

      Hoàng Hùng Sơn – đại biểu Bắc Cạn tạ thế ngày 26/3/1946;

      Trần Trọng Hiệu – đại biểu Hà Đông tạ thế ngày 01/5/1946;

      Thái Văn Lung – đại biểu Gia Định bị tra tấn chết trong khám lớn Sài Gòn ngày 07/7/1946.

      Cụ Tố yêu cầu mọi người đứng dậy yên lặng một phút để tỏ lòng thương tiếc những vị đã quá cố đó. Sau một phút mặc niệm, cụ Tố nhắc qua công việc mà Quốc hội đã làm trong 8 tháng qua.

      Cụ nhắc tới việc Quốc hội truy nhận Chính phủ kháng chiến trong một tình thế nghiêm trọng, nhưng nhờ có sự chỉ huy sáng suốt của Hồ Chủ tịch (vỗ tay), quốc gia đã vượt qua nhiều nỗi khó khăn.

      Đối với dân Pháp, phái đoàn Quốc hội sang Ba-lê đã gây được nhiều thiện cảm. và ngày nay, tình bang giao Việt-Pháp đã xoay sang chiều khác. Nước Việt Nam đã ở trong một giai đoạn mới, trong khuôn khổ của tạm ước 14/9.  Cụ mong rằng đôi bên Việt-Pháp sẽ công tác trên lập trường tự do và bình đẳng (vỗ tay).

      Cụ kết luận: muốn cho nước Việt Nam tới một địa vị khả quan, đồng bào phải biết nhiệm vụ của mình:

  • Ra công xây dựng nước nhà, hết lòng tranh thủ độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc (vỗ tay rất lâu)
  • Tin chắc rằng thế nào dân tộc Việt Nam cũng được vinh quang hạnh phúc

Cụ gửi lời chào toàn thể quốc dân, nghiêng mình kính cẩn trước linh hồn các liệt sĩ và hứa với toàn thể đồng bào và Quốc hội cương quyết:

  • Làm cho nước Việt Nam thống nhất (vỗ tay)
  • Trung Nam Bắc là một khối như xưa (vỗ tay).

Chính phủ và các đại biểu tuyên bố

      Cụ Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ lên diễn đàn tuyên bố lý do cuộc triệu tập cuộc hội nghị giữa những tràng pháo tay dồn dập. Đại khái Huỳnh Bộ trưởng nhận thấy rằng tình hình nội trị, sự đoàn kết ngày thêm chặt chẽ, việc xây dựng kiến thiết quốc gia thêm phần vững chắc nhưng sự khó khăn vẫn còn, nhất là vấn đề kinh tế chưa giải quyết.

      Về đối ngoại thì Chính phủ đã ký với Pháp những Hiệp định 06/3 và tạm ước 14/9 đã có những cuộc đàm phán ở Đà Lạt và Phông-ten-bơ-lô nhưng tình bằng giao Pháp -Việt còn phải cố gắng nữa. Ngày nay nước nhà đã bước sang giai đoạn mới cần phải triệu tập Quốc hội để báo cáo những công việc mà Chính phủ đã làm.

      Huỳnh Bộ trưởng nói dứt; cụ Tố giới thiệu ông Nguyễn Văn Tạo, đại biểu Rạch Giá lên nói mấy lời. Vừa trông thấy ông Tạo toàn thể các đại biểu đã hoan hô vang dậy. Cảm động hơn nữa là khi thấy ông đi thất thểu, tập tễnh lên diễn đàn. Ông Tạo ngỏ lời chào mừng đại biểu toàn quốc. Ông rất lấy làm vinh dự là đại biểu Nam bộ đã tới được đây để thảo luận về Hiến Pháp. Nhưng trong phút này, ông rất lấy làm băn khoăn, đau đớn nhớ tới những chiến sỹ đã chết một cách âm thầm như ông Thái Văn Lung, ông Huỳnh Tấn Phát cùng các nhà ái quốc Việt Nam hiện nay đang quằn quại rên xiết trong khám lớn ngoài Côn Đảo.

      Ông nói tới chỗ này, Hồ Chủ tịch rút mùi xoa và luôn luôn đưa lên mắt. Lòng người cha già lúc này thắt lại và đang đau đớn nghĩ tới những đứa con ở phương nam khói lửa.

      Nhưng ông Tạo lại tỏ ý bằng lòng rằng lúc này tất cả những đại biểu Quốc hội Miền Nam cùng với toàn thể đồng bào Nam bộ đang nỗ lực chiến đấu không sờn lòng trước khủng bố (vỗ tay rất lâu).

      Về sự chiến đấu trong Nam Bộ, ông Tạo vạch rõ rằng người Pháp chớ tưởng dùng máy bay, đại bác hòng khuất phục chia rẽ dân Việt Nam. Một năm kháng chiến đã trả lời nhiều (vỗ tay rất lâu, tiếng hoan hô vang theo) chính cuộc chiến đấu này đã thức tỉnh những người đi lạc đường.

      Ông kết luận: người Pháp muốn bảo tồn nền kinh tế của họ ở đây, thì người Pháp phải thành thực hợp tác với dân tộc Việt Nam. Nếu dân chúng Nam bộ không được sống yên ổn trong chủ quyền của họ thì tất cả kẻ khác cũng đừng hòng sống yên ổn mặc dầu khủng bố dã man (vỗ tay rất lâu).

      Cuối cùng, ông hô hào người dân Nam bộ đoàn kết, sẵn sàng, tin tưởng vào vị Cha già thì một ngày mai “lá cờ đỏ sao vàng” sẽ trở lại phấp phới toàn cõi Nam bộ (vỗ tay rất lâu).

      Khi ông Tạo ở diễn đàn bước xuống, Hồ Chủ tịch bắt tay ông, rồi người ôm lấy ông hôn. Người ta thấy nước mắt của Hồ Chủ tịch lăn trên gò má. Công chúng bùi ngùi, hồi hộp có nhiều người cũng ứa lệ.

      Sau ông Tạo là ông Phạm Thúc Tiêu, đại biểu thiểu số (Trung bộ) kêu gọi dân tộc thiểu số đoàn kết không để quân thù chia rẽ, và tranh thủ độc lập cho Tổ quốc. ông Tiêu cũng được hoan hô nhiệt liệt.

      Khi các đại biểu ngồi xuống, cụ Chủ tịch Quốc hội đọc những bức diễn văn để Quốc hội duyệt y. Đó là những bức điện gửi cho đồng bào toàn quốc, gửi các chiến sĩ, các kiều bào ở Pháp, Xiêm, Ai lao và Cao Miên, gửi cho Liên hiệp quốc họp tại Nữu ước, gửi Quốc hội và nhân dân Pháp, gửi Tưởng Chủ tịch và nhân dân Trung Hoa, gửi Giáo Hoàng. Theo lời đề nghị của các đại biểu, Hội nghị đã quyết nghị gửi thêm hai bức điện văn cho Ấn Độ và Nam Dương cùng Phi - luật - tân.

     Sau khi duyệt y các bức điện văn, đại biểu dân chúng thành phố Hà Nội tới chào mừng Quốc hội và tặng hoa.

      10 giờ kém 15, cụ Chủ tịch tuyên bố bế mạc để đến 2 giờ chiều lại tái họp.

Phiên họp buổi chiều ngày 28/10/1946

       Đúng 2 giờ chiều, Quốc hội họp. Ông Trưởng ban Thuyết trình Dương Đức Hiền đưa Bản Nội quy ra trình Quốc hội. Quốc hội quyết nghị chỉ thảo luận những vấn đề chính trong Bản Nội quy như việc bầu Chủ tịch đoàn, thư kí đoàn, việc chất vấn, đề nghị và kỉ luật trong khi hội họp thôi. Các vấn đề khác giao cho một Tiểu ban Nội quy, định để 2 giờ chiều ngày 29/10/1946 sẽ đưa ra Quốc hội thông qua.

Về việc bầu Chủ tịch đoàn thì Quốc hội quyết định bầu 1 Chủ tịch Quốc hội và 4 Chủ tịch nữa. Đoàn Chủ tịch sẽ thay phiên nhau làm Chủ tịch các phiên họp.

Thư kí đoàn gồm 6 người và Trật tự đoàn gồm 12 người. Về mức chất vấn Chính phủ, Quốc hội quyết nghị có 2 cách chất vấn:

  1. Thường vấn (bằng khẩu vấn hay bút vấn) là đại biểu được hỏi Chính phủ về những vấn đề nhỏ.
  2. Đại biểu có quyền chất vấn Chính phủ về những vấn đề quan trọng như các chính sách ngoại giao, nội trị.

       Sau hết đến mức kỉ luật, Quốc hội có sửa chữa vài khoản như việc tống giam tức khắc những người phá rối trật tự trong phiên họp. Quốc hội đề nghị là quyền tống giam thuộc Tư pháp, vậy đối với những người phá rối trật tự chỉ đem truy tố trước tòa (giao tiểu ban).

      Đến vấn đề công chúng có quyền phê bình hay khen chê trong phiên họp đã làm nổi lên một cuộc tranh luận gay go. Một số đại biểu đề nghị công chúng vào phòng họp không có quyền khen chê gì hết, phải để Quốc hội yên tĩnh làm việc. Nhưng đại biểu nhóm Mác xít và Xã hội đứng lên phản đối và cho rằng công chúng có quyền khen chê nhưng không được mất trật tự và quá đáng. Ông Phạm Văn Đồng yêu cầu sửa lại kỷ luật đối với công chúng mất trật tự nên nhẹ nhàng đi đôi chút. Ý kiến ông Đồng được hoan nghênh.

      Sau khi thảo luận xong Bản Nội quy, Quốc hội bầu Tiểu ban Nội quy. Vì thời  gian gấp rút nên Quốc hội quyết định là để các nhóm cử mỗi nhóm một số đại biểu. sự phân phối theo như sau:

       Quốc Dân Đảng 1 đại biểu: Phạm Gia Độ.

       Cách Mệnh Đồng Minh 1 đại biểu: Nguyễn Cao Hách.

       Không đảng phái 2 đại biểu: Lê Huy Vân, Hoàng Minh Giám.

       Việt Minh 1 đại biểu: Nguyễn Đình Thi.

       Dân chủ 1 đại biểu: Đoàn Xuân Tin (Lê Trọng Nghĩa).

       Xã hội 1 đại biểu: Đoàn Trọng Truyến.

       Mác xít 1 đại biểu: Nguyễn Văn Tạo.

       Sau khi cử xong Tiểu ban Nội quy, Quốc hội quyết nghị chương trình họp buổi sáng ngày 29/10/1946:

  1. Bầu Chủ tịch Đoàn, Thư kí Đoàn, Trật tự Đoàn.
  2. Đoàn Chủ tịch lên chủ tọa. Ban Thường trực Quốc hội và Tiểu ban Hiến pháp đọc báo cáo.
  3. Chủ tịch Đoàn ấn định chương trình buổi chiều.
  4. 11 giờ 30 bế mạc. Chủ tịch Đoàn và một số đại biểu tới đặt vòng hoa trước đài tri ân vong hồn chiến sĩ.

Thành phần kì họp này của Quốc hội:

      Tả: 14 mác xít; 24 xã hội; 45 dân chủ, cộng 83 người.

      Đứng giữa: 80 Việt Minh, 90 vô đảng phái, cộng 177 người.

      Hữu: 17 Cách Mệnh Đồng Minh Hội, , 20 Quốc Dân Đảng, cộng 37 người.

                                                                                                                                                                                                                                       

Một số hình ảnh về những tờ báo Cứu Quốc thời kỳ 1945 – 1946







Tác giả: 
Nguyễn Thị Ngọc Diệp (Trung tâm Lưu trữ quốc gia III
Nguồn: Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước - https://luutru.gov.vn.

 




Chúng tôi trên facebook