Xã hội hóa hoạt động lưu trữ là một chủ đề nhận được sự lưu trữ trong những năm qua, đặc biệt là sau khi luật lưu trữ năm 2011 có hiệu lực. Mặc dù còn nhiều quan điểm khác nhau, kết quả khảo sát tại các cơ quan nhà nước đã cho thấy sự đồng thuận cao đối với định nghĩa “Xã hội hóa hoạt động lưu trữ là quá trình động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia tích cực và chủ động vào hoạt động lưu trữ, huy động mọi nguồn lực của nhà nước và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về lưu trữ và thúc đẩy phát triển ngành lưu trữ (1).
Phát huy giá trị tài liệu là thuật ngữ dùng để chỉ các hoạt động nhằm đưa thông tin tài liệu đến với đông đảo đối tượng công chúng. Tiêu biểu như trưng bày, triển lãm, công bố, giới thiệu tài liệu lưu trữ.
Vậy phát huy giá trị tài liệu có phải là hình thức xã hội hóa? Để có câu trả lời khách quan, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát tại 120 cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Kết quả khảo sát chỉ ra 80% câu trả lời đồng thuận với nhưng lý giải cụ thể như sau:
Là hình thức nâng cao nhận thức của xã hội về tài liệu lưu trữ và công tác lưu tr.” (12 ý kiến tương tự)
Là hình thức đưa tài liệu ra với xã hội, nâng cao giá trị thông tin tài liệu và nhận thức của công chúng về tài liệu lưu trữ và công tác lưu trữ.
Phát huy giá trị tài liệu đưa thông tin có trong tài liệu lưu trữ đi vào phục vụ nhu cầu đời sống xã hội.
Để mọi người thấu hiểu và góp công sức giữ gìn tài liệu lưu trữ như tài sản của chính mình, quốc gia, dân tộc mình.
Xã hội hóa là hình thức huy động các nguồn lực xã hội, phát huy giá trị tài liệu là một trong những hoạt động có thể huy động được nguồn lực xã hội tham gia.
Có thể nhờ đó tài liệu được quảng bá, trưng bày, triển lãm trong nước và ra thế giới (3 ý kiến giống nhau).
Việc giới thiệu, công bố những tài liệu lưu trữ phổ biến, tuân thủ đúng quy định về khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ sẽ góp phần thu được nhiều lợi ích khác nhau và ngày càng nâng cao nhận thức của xã hội về lưu trữ, người dân được thụ hưởng các giá trị của tài liệu lưu trữ.
Vì có thể liên kết công bố giới thiệu tài liệu giữa các bên (Nhà nước, tư nhân) để khai thác mọi nguồn lực nhằm đưa tài liệu đến công chúng.
Lan tỏa thông tin lưu trữ ra toàn xã hội.
Thấy được giá trị của tài liệu sẽ nâng cao nhận thức của xã hội về tài liệu lưu trữ và công tác lưu trữ.
Chia sẻ lợi ích thông tin và nâng cao nhận thức của xã hội.
Phát huy giá trị tài liệu là một hình thức xã hội hóa vì khi đưa tài liệu đến với các độc giả thì phát huy hết giá trị của tài liệu, đưa công tác lưu trữ vào đời sống xã hội (3 ý kiến tương tự)
Nâng cao nhận thức của xã hội, thu hút sự tham gia đóng góp một cách hiệu quả của mọi tầng lớp nhân dân.
Thông qua việc phát huy giá trị tài liệu sẽ có sự đóng góp của mọi tầng lớp người dân.
Huy động được nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân nhằm đưa tài liệu lưu trữ đến với người cần và hình thành ý thức lưu trữ tài liệu ngay khi nó hình thành (3 ý kiến tương tự).
Vì các cơ quan lưu trữ không có đủ nguồn lực để phát huy hết giá trị của tất cả các tài liệu lưu trữ do cơ quan mình quản lý.
Phát huy giá trị tài liệu sẽ nâng cao nhận thức của người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và nhận thúc chung của xã hội về tài liệu lưu trữ. Từ đó mỗi cá nhân trong xã hội sẽ có ý thức hơn trong việc lưu trữ tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ, cơ quan.
Phát huy giá trị tài liệu giúp đông đảo người dân hiểu được giá trị của tài liệu lưu trữ và công tác lưu trữ, từ đó có cái nhìn, cách thức, biện pháp… cư xử đối với các hoạt động lưu trữ đúng đắn.
Rất cần thiết để tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Trong 20% câu trả lời không đồng thuận có 8% người tham gia khảo sát không đưa ra lý giải và 12% còn lại có những lý giải cụ thể sau đây:
Phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ là mục tiêu của hoạt động lưu trữ không phải là hình thức xã hội hóa.
Là hình thức giới thiệu công bố tài liệu của các lưu trữ.
Thực tế cơ quan lưu trữ chưa thực hiện xã hội hóa hoạt động này.
Tài liệu lưu trữ là tài sản quốc gia, chỉ có cơ quan nhà nước mới được quyền phát huy giá trị, không cần xã hội hóa hoạt động này (2 ý kiến tương tự).
Tài liệu lưu trữ do cơ quan nhà nước quản lý, không xã hội hóa (2 ý kiến tương tự).
Cá nhân tôi cảm nhận không phải là một hình thức xã hội hóa.
Không phù hợp với hình thức xã hội hóa.
Là trách nhiệm của cơ quan quản lý tài liệu lưu trữ và chỉ cơ quan mới biết mình có tài liệu gì để phát huy.
Xã hội hóa không phải là hình thức mà là phương thức thực hiện hoạt động phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.
Tóm lại, xét từ khía cạnh mục tiêu của xã hội hóa hoạt động lưu trữ là nâng cao nhận thức của xã hội về lưu trữ và thúc đẩy phát triển ngành lưu trữ thì đại đa số công chức, viên chức đang làm công tác lưu trữ tại các cơ quan nhà nước đều nhận phát huy giá trị tài liệu là một hình thức xã hội hóa.
Điều này đã khẳng định các hoạt động phát huy giá trị tài liệu lưu trữ của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và các Lưu trữ lịch sử trong những năm gần đây là đang thực hiện xã hội hóa, góp phần không nhỏ trong việc quảng bá ngành lưu trữ và nâng cao nhận thức của xã hội về tài liệu lưu trữ và công tác lưu trữ.
(Bài viết là Trích kết quả phân tích dữ liệu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Cơ sở khoa học xã hội hóa hoạt động lưu trữ” của Bộ Nội vụ, 2019-2020).
(1) 84% công chức, viên chức đang làm công tác lưu trữ tại các cơ quan nhà nước tham gia khảo sát đồng thuận với khái niệm này.
Tác giả: Hà Chi – Kim Thư (Trung tâm Khoa học Kĩ thuật Văn thư Lưu trữ) Nguồn: Tạp chí DẤU ẤN THỜI GIAN, số 2/2020