Các đặc tính cơ bản của giấy in và một số yếu tố cần bảo an đối với giấy in
(4 năm trước)
> Tin tức >
Giấy in là một loại hàng hóa đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Cùng với sự phát triển về số lượng, công nghệ và thiết bị sản xuất giấy cũng không ngừng phát triển. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu các đặc tính cơ bản của giấy in và một số yêu tố cần bảo an đối với giấy in, đó là:
1. Đặc tính cơ bản của giấy in
- Độ dày của giấy (thickness; caliper): Đây là một trong những thông số quan trọng của giấy. Trong những điều kiện xác định thì cùng với sự tăng chiều dày là sự thay đổi về độ bền, khả năng chịu biến dạng nén và độ xuyên thấu, phản quang… của giấy. Giấy in thường có độ dày từ 0,03 - 0,25mm, trừ giấy cacton có thể có độ dày đến hơn 3mm.
- Định lượng giấy (basis weight): Là trọng lượng của 1 mét vuông giấy (gms). Giấy in thông thường có định lượng từ 38gms - 500gms, riêng giấy cacton thì có thể đạt tới định lượng 2.000gms.Định lượng giấy thường tỉ lệ thuận với độ dày và độ cứng của giấy.
- Độ tro (ash content): Trọng lượng vật liệu còn lại sau khi nung trong điều kiện tiêu chuẩn của phương pháp thử. Hay nói cách khác là lượng tro thu được sau khi đốt giấy. Lượng tro đó chính là lượng khoáng chất vô cơ (phụ gia) có trong thành phần của giấy. Đơn vị tính là độ tro %, giấy thông thường có độ tro trung bình từ 18-23%.
- Độ trắng ISO (ISO brightness): Hệ số phản xạ ánh sáng của tấm bột giấy, tờ giấy theo phản xạ của vật khếch tán lý tưởng tại chiều dài bước sóng 457nm được xác định trên thiết bị đo tiêu chuẩn được quy định trong phương pháp thử. Độ trắng được đặc trưng bằng tỷ lệ phần trăm so với độ trắng chuẩn của Brarioxít (công thức hóa học là BaO). Các loại giấy cho chất lượng hình ảnh in tốt phải có độ trắng từ 70% trở lên..
- Độ thấu khí (air permeability): Đặc tính của tờ giấy biểu thị khả năng cho phép không khí đi qua cấu trúc xơ sợi của nó, được xác định bằng phương pháp thử tiêu chuẩn. Độ thấu khí càng cao thì khả năng biến dạng của tờ giấy khi chịu biến dạng nén càng lớn.
-Tính ổn định kích thước (dimensional stability): Khả năng giữ được hình dạng và kích thước của giấy khi độ ẩm thay đổi, hoặc dưới các tác động khác như: sự thay đổi của môi trường xung quanh, các ứng suất vật lý, cơ học trong quá trình in và các thao tác khi gia công hoặc khi sử dụng. Tính ổn định kích thước của giấy càng cao thì khả năng dãn giấy càng thấp giúp việc màu in được chính xác hơn.
- Độ nhẵn (smoothness): Tính chất đặc trưng để đánh giá mức độ phẳng của bề mặt giấy.Tính chất này được xác định trong các phương pháp thử tiêu chuẩn. Giấy in có độ nhẵn càng cao thì cho chất lượng sau khi in càng tốt.
- Độ ẩm (moisture content): Là lượng nước có trong vật liệu. Thực tế đó là tỷ số của trọng lượng mất đi của mẫu thử, khi sấy trong điều kiện tiêu chuẩn của phương pháp thử và trọng lượng của mẫu thử tại thời điểm lấy mẫu, đơn vị biểu thị là %. Đặc điểm cần lưu ý khi in trên các máy in có sử dụng hệ thống sấy nhiệt để in các loại mực như UV, vecni…
- Độ chịu bục (bursting strenght): Áp lực tác dụng vuông góc lên bề mặt lớn nhất mà mẫu thử chịu được trước khi bục trong điều kiện xác định của phương pháp thử tiêu chuẩn. Đối với các loại giấy dày dùng để làm hộp thì đòi hỏi phải có chỉ số chịu bục lớn để đảm bảo chất lượng trong các công đoạn cấn, bế…sau khi in.
- Độ chịu kéo (tensile strenght): Lực kéo lớn nhất mà mẫu thử chịu được trước khi đứt trong điều kiện xác định của phương pháp thử tiêu chuẩn.
- Độ dài đứt (breaking lenght): Chiều dài tính được của băng giấy với chiều rộng đồng nhất có trọng lượng đủ nặng để làm đứt chính nó khi treo một đầu lên.
- Độ dãn dài (stretch at break): Độ dãn dài đo được tại thời điểm đứt của băng giấy, các cáctông khi nó được kéo dãn dưới điều kiện xác định của phương pháp thử tiêu chuẩn; đơn vị biểu thị thường là % so với chiều dài ban đầu của mẫu thử.
- Độ hút nước (absorbency): Khả năng hấp thụ và giữ lại khi tiếp xúc với nước của giấy; hoặc tốc độ hút nước, được xác định bằng các phương pháp thử tiêu chuẩn.
- Độ đục (opacity): Tỷ số được biểu thị bằng % của lượng ánh sáng phản xạ từ một tờ giấy đặt trên vật chuẩn màu đen và lượng ánh sáng phản xạ của chính tờ giấy đó đặt trên vật chuẩn màu trắng trong điều kiện của phương pháp thử tiêu chuẩn.
![Giấy bảo an](/Uploads/yhochd_5/images/%E1%BA%A3nh%20spo/giay-bao-an-3-102318-170521-62.png)
2. Một số yếu tố cần sử dụng giấy bảo an
Với các đặc tính cơ bản của giấy in nói chung thì giấy bảo an là sản phẩm giấy đặc biệt mà trong quá trình sản xuất cần phải áp dụng một số kỹ thuật tương đối tinh xảo nhằm tạo ra được các hình in mờ trên giấy nhờ sự khác biệt về độ dày, độ đục của vật liệu tạo giấy và sợi bảo mật. Giấy bảo an có chức năng cơ bản như: không phản ứng với bức xạ UV, hình bóng nước trên giấy, phản ứng với các tác nhân hóa học, chống lại các tác động cơ học (tẩy xóa hay dùng băng dính…), có những sợi bảo mật phát huỳnh quang khi chiếu nguồn sáng UV. Do đó, giấy bảo an rất khó sản xuất giả, được sử dụng rộng rãi dưới dạng các loại giấy có giá trị cao như: giấy in tiền, giấy in séc, trái phiếu, hóa đơn tài chính hoặc các loại giấy phục vụ công tác bảo mật như: giấy làm visa, hộ chiếu, chứng từ sở hữu tài sản, bất động sản, văn bằng, chứng chỉ, tem, nhãn mác…
Giấy bảo an có những đặc tính đặc biệt để phân biệt với các loại giấy thông thường khác. Các đặc tính đó trong giấy hỗ trợ việc in bảo mật, chúng chứa đựng nhiều chi tiết bảo an ẩn, hiện và có giá trị pháp lý. Những chi tiết thể hiện cũng như các chi tiết bảo mật thông thường khác có thể nhìn thấy bằng mắt thường như các hình in bóng nước mờ trên giấy, sợi bảo mật. Các chi tiết ẩn thì phải nhờ đến các thiết bị hỗ trợ. Các chi tiết có giá trị pháp lý thường là các chi tiết ẩn đòi phải có các dụng cụ hỗ trợ đặc biệt để xác minh.
Giấy bảo an không giống như các loại giấy in thông thường khác, giấy bảo an phải không bị bức xạ UV tác động, hay không có tác nhân làm sáng như chất tăng trắng. Các tác nhân làm sáng hấp thụ tia UV và phát ra loại ánh sáng nằm trong vùng quang phổ màu xanh (Blue), các tác nhân làm sáng này làm cho giấy thường sáng hơn và trung tính hơn với màu sắc. Giấy bảo an không bị ảnh hưởng bởi tia UV sẽ cải thiện chức năng bảo mật với các lý do sau: cho phép dùng mực huỳnh quang như một chức năng bảo mật, sự xuất hiện của nó sẽ bị thay đổi bởi loại giấy có tác nhân làm sáng, giấy không phát huỳnh quang dưới bức xạ UV như các sản phẩm giả bằng các loại giấy thường. Do vậy, hầu hết các loại giấy bảo mật đều không dùng chất tăng trắng quang học, tráng phủ bề mặt bởi các chất này thường có tác nhân làm sáng./.
---------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Nhiệm vụ nghiên cứu tiền khả thi Đề án “Nghiên cứu việc sử dụng giấy, mực bền lâu để in văn bản, tài liệu quan trọng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước” (2018), HS. 126 - 130, Trung tâm Khoa học kỹ thuật Văn thư - Lưu trữ.
2. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia về giấy, mực in bền lâu sử dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước (2019), HS.135, Trung tâm Khoa học kỹ thuật Văn thư - Lưu trữ.
Phòng Nghiên cứu và Thông tin khoa học, Trung tâm Khoa học kỹ thuật Văn thư – Lưu trữ
o
Nguồn: Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước - https://luutru.gov.vn/cac-dac-tinh-co-ban-cua-giay-in-va-mot-so-yeu-to-can-bao-an-doi-voi-giay-in.htm