Sắc lệnh về những nguyên tắc và bậc học cơ bản của nền giáo dục (3 năm trước)
> Tin tức > Ngành văn thư lưu trữ

Bài viết giới thiệu Sắc lệnh số 146/SL về những nguyên tắc cơ bản của nền giáo dục mới và Sắc lệnh số 147/SL SL về tổ chức bậc học cơ bản do Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành ngày 10/8/1946. Những Sắc lệnh này đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 04.

Ngày 03/9/1945, trong cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày về những vấn đề cấp bách của đất nước, trong đó có giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Để xây dựng chính quyền mới, ổn định đời sống, giữ gìn độc lập tổ quốc thì nhất định phải thực hiện song song ba vấn đề cấp bách đó. Hồ Chí Minh cho rằng: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, sự dốt nát là một loại giặc nội xâm, là mẹ đẻ của mọi thói hư tật xấu, phản lại văn hoá" (1). Vì vậy, Người đề nghị mở ngay một chiến dịch diệt dốt và phát động chiến dịch “Chống nạn mù chữ”, coi đó là bước đột phá đầu tiên để nâng cao dân trí.

Ngày 09/7/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 119/SL về việc thành lập Bộ Quốc gia Giáo dục. Ngày 10/8/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 146/SL về những nguyên tắc cơ bản của nền giáo dục mới, gồm 13 Điều, trong đó quy định “Nền giáo dục nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà là một nền giáo dục duy nhất, đặt trên ba nguyên tắc căn bản: đại chúng hoá, dân tộc hoá, khoa học hoá và theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng Quốc gia và dân chủ”.

 

Sắc lệnh số 146/SL ngày 10/8/1946 do Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành về những nguyên tắc cơ bản của nền giáo dục mới.

Tại Điều thứ 2, Sắc lệnh quy định: Nền giáo dục ấy được phân phát, sau bậc giáo dục ấu trĩ (giáo dục trẻ con dưới 7 tuổi), trong ba cấp học là: Đệ nhất cấp (bậc học cơ bản); Đệ nhị cấp (có hai ngành: ngành học tổng quát và ngành học chuyên môn); Đệ tam cấp (bậc đại học). Tại Điều thứ 11, Sắc lệnh còn quy định: Ở tất cả các bậc học, học sinh không phải trả học phí, và các kỳ thi tốt nghiệp, học sinh cũng không phải nộp một khoản phí nào. Điều thứ 12: Học sinh xuất sắc mà nghèo sẽ được học bổng của Chính phủ. 

Với nguyên tắc dân chủ (đại chúng hóa), nền giáo dục mới của ta không phải là nền giáo dục dành riêng cho một tiểu số, nhờ gia cảnh khá giả mới có thể theo đuổi sự học mà sẽ là nền giáo dục chung cho toàn thể quốc dân, không phân biệt hai nền học khác nhau: nền tiểu học cho dân chúng và nền trung học đưa lên bậc đại học cho giai cấp tư sản. Dựa trên nguyên tắc này, nền giáo dục có nhiệm vụ mang tri thức tới quần chúng, từ chỗ mù chữ đến chỗ biết chữ, phổ cập một trình độ học vấn nhất định từ thấp đến cao để họ áp dụng những tri thức ấy vào cuộc sống, vào sản xuất. Trên nguyên tắc dân tộc, nền giáo dục mới sẽ giáo dục lịch sử dân tộc, giáo dục tinh thần yêu nước, nhằm đào tạo thế hệ trẻ thành những người phụng sư dân tộc một cách đắc lực để phát huy được những truyền thống tốt đẹp của giống nòi, góp phần tạo thêm sức mạnh trí tuệ để phụng sự tổ quốc. Với nguyên tắc khoa học, căn cứ vào những quy luật về tâm, sinh lý và sẽ áp dụng những phương pháp sư phạm mới phát minh để điều hoà sự phát triển những năng khiếu của trẻ em về thể chất cũng như về tinh thần; giảng dạy cho học sinh những tri thức và phương pháp khoa học tiến bộ, chống giáo điều, dạy và học theo nguyên tắc học để hành, giáo dục gắn liền với cuộc sống của nhân dân.

Nền giáo dục mới theo qui định của Sắc lệnh 146/SL gồm ba bậc học: Bậc học cơ bản gồm 4 năm và bắt đầu từ 1950 sẽ là bậc học cưỡng bách; Bậc học trung học và chuyên nghiệp; Bậc học đại học. Sắc lệnh 147/SL do Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành ngày 10/8/1946 về tổ chức bậc học cơ bản đã ấn định thêm những điều khoản pháp chế để thực hiện bậc học cơ bản, không phải trả tiền, các môn học dạy bằng tiếng Việt ở tất cả các bậc từ tiểu học đến đại học trong tất cả các bộ môn khoa học: khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Sắc lệnh số 147/SL SL ngày 10/8/1946 do Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành về tổ chức bậc học cơ bản.

Điều 6 của Sắc lệnh quy định: Những môn dạy trong chương trình bậc học cơ bản chia ra làm hai phần: một phần giáo huấn và một phần dưỡng dục. Phần giáo huấn dạy trẻ em những điều thường thức cần thiết để chúng có một cái học vấn tối thiểu và gồm các môn này: tập đọc, tập viết, học tiếng, văn phạm, chính tả, tập làm văn, lịch sử Việt Nam, địa dư và đặc biệt địa dự Việt Nam, tính và đo lường, khoa học thường thức cùng ứng dụng của nó vào vệ sinh, nông phố và công nghệ, những điều sơ lược về môn học dụng cụ (lớp cao đẳng). Phần dưỡng dục luyện cho trẻ em những tập quán tốt và làm phát triển những năng khiếu về tinh thần cùng thân thể của chúng, mục đích cho chúng được lĩnh thụ một nền giáo dục tổng quát. Phần này có các môn đức dục và công dân giáo dục, vẽ, thủ công, thể dục, hát, trò chơi và hoạt động thiếu nhi có hướng dẫn. ở các trường cơ bản nữ học, dạy thêm nữ công (gia chánh và dương nhi).

Để cụ thể hoá nội dung của các Sắc lệnh trên và thực hiện những nguyên tắc cơ bản của nền giáo dục mới, một loạt chủ trương biện pháp nhằm khuyến khích học tập đã được Chính phủ ban hành và thực hiện như: bãi bỏ tiền học ở tất cả các bậc học, gia hạn tuổi cho học sinh các lớp, cấp học bổng và mở ký túc xá cho học sinh các trường trung học. Chính phủ cũng định ra một chương trình giáo dục, tổ chức ngạch thanh tra và lập hội đồng sách giáo khoa… Nền giáo dục mới đã trực tiếp xóa bỏ tính chất phong kiến, thực dân của nền giáo dục cũ, đồng thời đặt nền móng cho sự ra đời của nền giáo dục Việt Nam mới. Nền giáo dục mới, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là “Một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn năng lực sẵn có của các em" (2).

------------------------

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb CTQG, 1995, Tập IV, tr. 8

(2) Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước VNDCCH. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Bộ Giáo dục, Mục lục 1, hồ sơ 2663.

Phạm Ngọc Diệp (Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - luutru.gov.vn/)



Chúng tôi trên facebook