Tài liệu lưu trữ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp (3 năm trước)
> Tin tức > Ngành văn thư lưu trữ

Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đang bảo quản hơn 13km giá tài liệu với hơn 400 phông tài liệu lưu trữ của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội… phản ánh chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam; về hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) được thành lập đến nay. Nhiều tài liệu lưu trữ đặc biệt, minh chứng những đóng góp của lãnh tụ Hồ Chí Minh, các nhà lãnh đạo Đảng, nhà nước, các thế hệ cán bộ cách mạng Việt Nam trên những cương vị, nhiệm vụ khác nhau, trong đó có nhiều tài liệu, hình ảnh, tư liệu trong quá trình hoạt động, đóng góp và cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn. Ông sinh ngày 25/8/1911, ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước. Ông là nhà chỉ huy quân sự tài ba; chiến sĩ cách mạng trung kiên; nhà hoạt động chính trị lỗi lạc của Cách mạng Việt Nam; là một học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã vận dụng thực hiện một cách xuất sắc, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực quân sự. Trước khi trở thành Đại tướng lừng danh, ông là một nhà báo, nhà giáo. Ông đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Công lao lớn nhất, được tôn vinh nhất của ông là tham gia xây dựng, tổ chức và lãnh đạo lực lượng quân đội Nhân dân Việt Nam hùng mạnh từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đã giành độc lập cho dân tộc Việt Nam, đã đánh bại hai thế lực thực dân, đế quốc hùng mạnh nhất của thế kỷ 20, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, và uy tín cao trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. Tên ông đã được đặt tên đường ở nhiều thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa…

Tài liệu lưu trữ của Đại tướng và về Đại tướng Võ Nguyên Giáp bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III gồm nhiều loại hình khác nhau, cụ thể:

- Về tài liệu giấy, chiếm số lượng lớn, thuộc các phông: Phủ Thủ tướng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ,… Ngoài ra, tài liệu về Đại tướng còn có trong các phông tài liệu cá nhân của các nhà hoạt động cách mạng của Đảng, Nhà nước như Phông Giáo sư, Nhà nghiên cứu văn học Đặng Thai Mai, Phông Nhà hoạt động cách mạng Lê Tất Đắc, Phông Giáo sư Hoàng Minh Giám, Phông Nhạc sĩ Văn Cao

- Tài liệu ảnh: gồm những bức ảnh, phim âm bản và những bộ phim tư liệu của các phông; tài liệu ảnh Phông Quốc hội; tài liệu ảnh Lịch sử trước Cách mạng tháng Tám; tài liệu ảnh Phông Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản; tài liệu ảnh thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954); tài liệu ảnh Phông Bộ Ngoại giao…

- Ngoài ra, còn có khối tư liệu phục vụ nghiên cứu bảo quản tại Trung tâm như Công báo nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, những ấn phẩm hồi ký của Đại tướng được xuất bản qua các thời kỳ; các ấn phẩm sách, báo…

Những tài liệu, hình ảnh, tư liệu bảo quản tại Trung tâm đã góp phần minh chứng về cuộc đời và đóng góp của Đại tướng với cách mạng Việt Nam qua những cương vị khác nhau:

- Nhóm tài liệu về tiểu sử: gồm những tài liệu về tiểu sử tóm tắt nêu khái quát về hoàn cảnh xuất thân, quá trình công tác của Đại tướng, những hình ảnh chân dung của Đại tướng qua các thời kỳ; các Sắc lệnh, Quyết định bổ nhiệm ông giữ chức vụ khác nhau trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, như: Sắc lệnh của Bộ Quốc phòng ủy quyền Tổng Chỉ huy Quân đội toàn quốc cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, hiện sung chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ phong Quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp - Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ; Sắc lệnh của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam; Lệnh của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bổ nhiệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữ chức Ủy viên Hội đồng Quốc phòng; bổ nhiệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng…

- Nhóm tài liệu về hoạt động của Đại tướng những ngày Cách mạng tháng Tám và trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên. Ông đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và củng cố chính quyền nhà nước trong giai đoạn đất nước mới giành độc lập năm 1945-1946, thể hiện qua hệ thống các Sắc lệnh của Chính phủ, biên bản họp Hội đồng Chính phủ… mà ông đã tham tham mưu, thay mặt Chủ tịch ký ban hành, hoặc các buổi hội nghị Hội đồng Chính phủ mà ông đã dự họp, đóng góp ý kiến, báo cáo và đề xuất cho Chính phủ giải quyết các hoạt động nội chính, nội vụ và ngoại giao của đất nước thời kỳ này. Cùng với đó, ông đã có vai trò quan trọng trong việc từng bước tổ chức, kiện toàn bộ máy tổ chức của Bộ Nội vụ trong năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám: Sắc lệnh cử ông Hoàng Minh Giám giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký; các Nghị định về tổ chức và hoạt động của Bộ Nội vụ, các cơ quan trực thuộc Bộ…



Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Võ Nguyên Giáp trên ô tô ra Quảng trường Ba Đình, ngày 02/9/1945. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Giáo sư, Nhà nghiên cứu văn học Đặng Thai Mai.

 Nhóm tài liệu về hoạt động của Đại tướng trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, bao gồm những tài liệu, hình ảnh, điện, thư, Lời kêu gọi, huấn lệnh, nhật lệnh… ghi dấu ấn của ông trong cuộc đời binh nghiệp, gắn với quá trình ra đời, xây dựng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, những chiến thắng vang dội của Quân đội trong trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ qua các chiến dịch: Việt Bắc năm 1947, Biên giới Thu Đông năm 1950, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, giải phóng miền Nam năm 1975… Những tài liệu tiêu biểu phải kể đến như Diễn văn của đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc trong buổi Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại Khu rừng Trần Hưng Đạo, Cao Bằng, ngày 22/12/1944; hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp họp bàn quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 12/1953; hình ảnh Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đang quan sát tình hình mặt trận, năm 1954; Bản chép tay theo băng ghi âm báo cáo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp ngày 8/4/1975 về cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và dân miền Nam… Bên cạnh đó là những tài liệu về chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật quân sự như Chiến lược cầm cự và chuẩn bị Tổng phản công – Bài Huấn thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc tại Hội nghị Cán bộ quân sự, tháng 01/1949; Diễn văn khai mạc Hội nghị Cán bộ địch hậu của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, tháng 10/1953...



Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp duyệt các đơn vị pháo cao xạ chuẩn bị vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 3/1954. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Tài liệu ảnh phông Bộ Ngoại giao.

 

- Nhóm tài liệu là những đóng góp của ông trên các cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội, về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, ngoại giao... qua các thời kỳ: Bài nói chuyện của đồng chí Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị Cán bộ Đảng trong ngành giáo dục phổ thông từ ngày 03-08/6/1957; bài nói chuyện về nghiên cứu Tây Bắc năm 1958; ý kiến ngày 20/02/1982 của Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Võ Nguyên Giáp kết luận tại Hội nghị Bàn về việc thực hiện các chương trình trọng điểm khoa học kỹ thuật của Nhà nước; bài phát biểu của Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị Khoa học về những vấn đề kinh tế xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc ở Bắc Thái ngày 07/3/1985...

 

Ngoài ra, có nhiều tài liệu, hình ảnh thể hiện những tình cảm chân thành, mối quan hệ đồng chí, đồng bào, bạn hữu của ông trong quá trình công tác, cuộc sống: thư tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi ông Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề tài chính năm 1947; thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi ông Lê Tất Đắc ngày 28/8/1948, trao đổi, hỏi thăm tình hình công tác, sức khỏe; thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Giáo sư Tạ Quang Bửu ngày 09/02/1974; Đại t­ướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh lư­u niệm cùng Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh và một số Đại biểu Quốc hội trong giờ nghỉ giải lao tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa X, năm 1998…

Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi ông Lê Tất Đắc ngày 28/8/1948, trao đổi, hỏi thăm tình hình  công tác, sức khỏe. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Nhà hoạt động cách mạng Lê Tất Đắc.


Thành phần, nội dung và số lượng tài liệu của Đại tướng và về Đại tướng Võ Nguyên Giáp bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III phong phú, đa dạng, là nguồn tài liệu lưu trữ chân thực, có giá trị, ý nghĩa trên nhiều phương diện, không chỉ minh chứng về những giai đoạn lịch sử dân tộc Việt Nam, về các cuộc đấu trành giành và bảo vệ độc lập dân tộc, về truyền thống dân tộc, về những đóng góp của các thế hệ cán bộ cách mạng với đất nước, hơn hết, đây là nguồn tài liệu ý nghĩa nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng, chúng tôi xin được tỏ lòng tri ân và xin giới thiệu đến các nhà nghiên cứu, độc giả về nguồn tài liệu liên quan Đại tướng bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III góp phần tái hiện về công lao, đóng góp của Đại tướng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, phục vụ nghiên cứu và giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc cũng như phục vụ sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc./.

ThS. Lê Thị Lý (Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)
Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước
https://luutru.gov.vn/cong-bo-gioi-thieu-tai-lieu/tai-lieu-luu-tru-ve-dai-tuong-vo-nguyen-giap.htm?fbclid=IwAR1PtIRnL-EBkR02tWsmtEQ7BNOtk7xFQs47xDxgBzM2n56WZvjwMNMzRyo




Chúng tôi trên facebook